Công ty cổ phần Bia Sài Gòn- Sông Lam tự hào là một trong những công ty thành viên trực thuộc

Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Sabeco đã tự hào ghi danh thêm một nhà máy góp tên vào chuỗi các nhà máy hiện đại của mình trên toàn quốc, ghi thêm một dấu son trên chặng đường dài phát triển bền vững, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp đồ uống tại Việt Nam.

CÔNG TY CP BIA SÀI GÒN SÔNG LAM MỘT THƯƠNG HIỆU ĐÁNG TỰ HÀO

Ngày 12/7/2010, mẻ bia thương mại đầu tiên đã được nấu. Ngày 12/8/2010, nhà máy đã xuất xưởng mẻ bia thương mại đầu tiên và sau 5 tháng hoạt động của năm 2010, nhà máy đã đạt sản lượng sản xuất 13 triệu lít bia lon 333 và bia chai 355, nộp ngân sách tỉnh khoảng 81 tỷ đồng.

Ngày 10/3/2011, Sabeco long trọng khánh thành nhà máy trong niềm hân hoan và tự hào của toàn thể cán bộ, công nhân viên. Với thời gian thi công chỉ trong 1 năm, đây là công trình được xây dựng với tiến độ nhanh nhất trong hệ thống các nhà máy bia của Sabeco trên toàn quốc nói riêng và các công trình xây dựng nhà máy bia quy mô tương đương của Việt Nam nói chung.

Sabeco đã tự hào ghi danh thêm một nhà máy góp tên vào chuỗi các nhà máy hiện đại của mình trên toàn quốc, ghi thêm một dấu son trên chặng đường dài phát triển bền vững, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp đồ uống tại Việt Nam.

Sản phẩm của Công ty đạt chất lượng cao theo Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008, Hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP RvA và Hệ thống quản lý môi trường theo Tiêu chuẩn ISO 14001:2004.

Trong quá trình sản xuất, từ khi được thành lập đến nay, công ty luôn nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất hàng năm và luôn tăng trưởng trên 20%/năm, doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước 600 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 300 lao động địa phương.

TỔNG QUAN CÔNG TY BIA SÀI GÒN- SÔNG LAM

Tên giao dịch: CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN – SÔNG LAM

Tên đơn vị: Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam.

Địa chỉ: Khối 1, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty cổ phần ngày 20/12/2006 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp với vốn điều lệ ban đầu 250 tỷ đồng; Trụ sở chính ban đầu của Công ty tại số 3 Đường Trần Phú, phường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An; Ngành nghề hoạt động: Sản xuất các loại bia mang thương hiệu Bia Sài Gòn.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Công ty CP Bia Sài Gòn – Sông Lam, thành lập tháng 12/2006. NM được xây dựng với tổng giá trị thực hiện dự án giai đoạn 1 là 1.045 tỷ đồng, trong đó phần thiết bị trị giá gần 860 tỷ đồng. Tổng thầu thiết kế và xây lắp NM là Công ty Kroness AG (CHLB Đức), công suất thiết kế 100 triệu lít bia/năm (có thể mở rộng nâng công suất lên 200 triệu lít/năm) – là một trong những NM bia hiện đại hàng đầu tại Việt Nam.

Ngày 09/12/2007, Nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam được khởi công xây dựng tại khu Rú Mượu thuộc địa bàn xã Nam Giang, huyện Nam Đàn và xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An;

Ngày 13/07/2009, chính thức xây dựng nhà máy, chính thức đi vào hoạt động nấu mẻ đầu tiên vào ngày 12/08/2010;

Ngày 12/12/2014, Công ty chuyển trụ sở địa chỉ về Khối 1, Xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An;

Ngày 12/06/2014, Công ty nhận được sự chấp thuận là công ty đại chúng theo văn bản của Ủy ban chứng khoán nhà nước;

Hiện nay, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần số 2900783332 thay đổi lần thứ 6 ngày 26/09/2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp với vốn điều lệ 450 tỷ đồng.

NGHÀNH NGHỀ KINH DOANH

  • Sản xuất Bia, Rượu và Nước giải khát.
  • Mua bán vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh ngành bia, rượu, nước giải khát.

QUY MÔ ĐẦU TƯ VÀ THIẾT KẾ

Dự án đầu tư Nhà máy Bia Sài Gòn – Sông Lam được thực hiện tại khu vực Núi Mượu, trên địa bàn giáp ranh 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn, trên lô đất diện tích 32,2 ha. Các hạng mục chính của dự án, bao gồm: Phân xưởng động lực; Phân xưởng công nghệ (lưu trữ, xử lý nguyên liệu, nấu, lên men và lọc bia); Phân xưởng chiết gồm dây chuyền chiết chai công suất 30.000 chai/giờ và chiết lon công suất 30.000 lon/giờ.

SƠ ĐỒ TỔ CHỨC CÔNG TY

TẦM NHÌN – SỨ MỆNH – GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Tầm nhìn

Trở thành một trong những nhà máy dẫn đầu của SABECO về các lĩnh vực đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn
quốc tế; Xanh – Sạch – Đẹp và áp dụng thành công chương trình phát triển bền vững có uy tín trong ngành.

Sứ Mệnh

Thực hiện tôn chỉ yêu cầu Kỹ thuật -Chất lượng do SABECO đưa ra.

Mang lại lợi ích thiết thực cho cổ đông, khách hàng, đối tác, người lao động và xã hội.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI

  • Thượng tôn pháp luật
  • Trách nhiệm với xã hội
  • Hợp tác cùng phát triển
  • Sản xuất kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường

CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT

Công nghệ sản xuất của nhà máy bia Sài Gòn- Sông Lam: Là đơn vị thuộc hệ thống SABECO, Công ty cổ phần bia Sài Gòn – Sông Lam sản xuất sản phẩm bia theo công nghệ Bia Sài Gòn do SABECO chuyển giao. Sản phẩm bia các loại do Công ty sản xuất luôn ổn định chất lượng tốt và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của SABECO ban hành.

LỊCH SỬ NGÀNH BIA THẾ GIỚI

Câu chuyện sơ khai về bia

Có một câu chuyện bắt đầu 4000 năm trước CN tại phía nam Babylone vùng hạ Lưỡng Hà. Ninkasi-người phụ nữ Sumerian trong lúc làm bánh mì thay vì nướng hết phần bột nhào đã ủ men thì bà lại cho phần dư vào một vại nước. Vài ngày sau, bà có được một loại thức uống “thần thánh” tạo cho con người cảm giác lâng lâng, mờ ảo.

Tại Ai Cập cổ đại vào khoảng năm 3000BC, bia và bánh mì là những thứ quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Bia được xem như một loại tiền tệ và mọi người từ Pharaoh trở xuống đều uống bia.

Năm 55BC, Julius Ceasar đã chinh phục người Roma và kỹ thuật làm bia đã được du nhập vào Châu Âu.

Đến thế kỷ 13, có hàng trăm tu viện sản xuất bia cung cấp cho cư dân tại địa phương. Một vài tu viện trong số đó vẫn còn tồn tại cho đến nay ở Bỉ và Hà Lan. Một nghiên cứu lớn nhất của các thầy tu là đưa hoa bia vào sử dụng nhằm làm tạo ra hương vị đặc trưng và kéo dài thời gian bảo quản.

Năm 1864, Pasteur đã công bố các kết quả thí nghiệm về quá trình lên men: “Chính nấm men là tác nhân gây nên quá trình lên men” và giải thích cơ chế làm việc của nấm men. Ngoài ra, Pasteur đã đưa ra phương pháp được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm: “Thanh trùng Pasteur”. Bằng phương pháp này, bia có thể được bảo quản tại điều kiện thường đến 1 năm.

Cột mốc theo năm tháng

Với sự phát minh động cơ hơi nước năm 1765, công nghiệp sản xuất bia đã trở thành sự thật.

Năm 1827, Daniel Wheeler đã phát minh lò nướng hình trông cho phép tạo ra mạch nha không bị ám khói hay bụi thanh của quá trình trồng cho phép tạo ra mạch nha chín kỹ đã tạo tiền đề cho sản xuất các loại bia đen sau này. Pasteur đã khai sáng vai trò của nấm men và đưa nó thành một yếu tố bắt buộc trong sản xuất bia.

Năm 1953, Morton W Coutts, một người Newzealand đã phát triển kỹ thuật lên men liên tục giảm thời gian ủ và sản xuất bia trước đây là 4 tháng xuống còn chưa đầy 24h.

CÁC  LOẠI BIA

Có nhiều loại bia khác nhau, mỗi loại bia được coi là thuộc về một kiểu bia cụ thể nào đó. Kiểu bia là mác dán miêu tả hương vị tổng thể và thông thường là nguồn gốc của bia, phù hợp với hệ thống đã tiến hóa qua các lần thử và các sai số qua nhiều thế kỷ.

Yếu tố chính để xác định loại bia là men bia sử dụng trong quá trình lên men. Phần lớn kiểu bia thuộc về một trong hai họ lớn: ale- sử dụng lên men đỉnh, hoặc lager- sử dụng lên men đáy. Bia có đặc trưng pha trộn của cả ale và lager được gọi là bia lai. Thức uống chứa cồn sản xuất từ việc lên men đường thu được từ các nguồn không phải là ngũ cốc nói chung không được gọi là “bia”, mặc dù chúng cũng được sản xuất bằng cùng một phản ứng sinh học gốc men bia. Mật ong lên men được gọi là rượu mật ong, nước táo lên men được gọi là rượu táo, nước lê lên men được gọi là rượu lê, còn nước nho lên men được gọi là rượu vang

Ale

Ale là bất kỳ loại bia nào được sản xuất bằng lên men nổi, và nó thông thường được lên men ở nhiệt độ cao hơn so với bia lager (15-23°C, 60-75°F). Các men bia ale ở các nhiệt độ này tạo ra một lượng đáng kể các este, các hương liệu thứ cấp và các sản phẩm tạo mùi khác, và kết quả là bia tạo ra có mùi vị của hoa hay quả tương tự (nhưng không chỉ có thế) như táo, lê, dứa, cỏ, cỏ khô, chuối, mận hay mận khô. Các khác biệt về kiểu giữa các loại ale là nhiều hơn so với các loại lager, và nhiều loại bia ale rất khó để phân loại chúng thuộc kiểu gì.

Lager

Lager: là loại bia được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Chúng có nguồn gốc từ vùng Trung Âu, có tên gọi này là từ lagern (“lưu trữ”) trong tiếng Đức. Men bia lager là loại lên men chìm, thông thường được lên men ở nhiệt độ 7-12 °C (45-55 °F) (“pha lên men”), và sau đó được lên men thứ cấp lâu ở 0-4 °C (30-40 °F) (“pha lager hóa”). Trong giai đoạn lên men thứ cấp, lager được làm trong và chín. Các điều kiện lạnh cũng kiềm chế việc sản xuất tự nhiên các este và các phụ phẩm khác, tạo ra hương vị “khô và lạnh hơn” của bia.

Các phương pháp hiện đại để sản xuất bia lager đã được Gabriel Sedlmayr trẻ và Anton Dreher khai phá. Gabriel Sedlmayr trẻ là người đã hoàn thiện bia lager màu nâu sẫm ở nhà máy bia Spaten tại Bavaria còn Anton Dreher là người bắt đầu sản xuất bia lager, có lẽ là màu đỏ hổ phách tại Viên khoảng những năm 1840-1841. Với việc kiểm soát quá trình lên men đã được hoàn thiện hơn, phần lớn các nhà sản xuất bia lager chỉ sử dụng thời gian lưu trữ lạnh ngắn, thông thường từ 1 đến 3 tuần.

Phần lớn bia lager ngày nay dựa trên kiểu Pilsener, được sản xuất lần đầu tiên năm 1842 tại thành phố Plzeň, ở Cộng hòa Séc. Các loại bia lager Pilsener ngày nay có màu sáng và được cacbonat hóa nồng độ cao, với hương vị mạnh của hoa bia và nồng độ cồn 3-6% theo thể tích. Các thương hiệu bia Pilsner Urquell hay Heineken là các ví dụ điển hình về bia pilsener.

QUY TRÌNH SẢN XUẤT BIA

1. Thành phần:

Ban đầu bia được sản xuất từ bốn nguyên liệu chính: nước, malt đại mạch, hoa bia và nấm men. Sau đó, bia phát triển ra toàn thế giới thì tùy thuộc vào đặc trưng nông nghiệp ở mỗi quốc gia mà bia có thêm thế liệu như gạo, lúa mì, bo bo, yến mạch và cả đường tinh luyện. Thế liệu được xem là nguyên liệu phụ để thay thế 1 phần malt đại mạch nhằm giảm chi phí sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của quốc gia đó.
a. Nước:
Nước là thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất, thông thường từ 90-95% khối lượng bia. Nước ngoài việc tham gia vào thành phần của bia còn tham gia vào toàn bộ quy trình công nghệ trong quá trình sản xuất. Nước là dung môi hòa tan các hợp chất hóa học (như tinh bột, đường, protein, chất béo, …) trong hạt malt, các hợp chất đắng, thơm trong hoa bia. Các enzym tham gia vào quá trình thủy phân các hợp chất cao phân tử thành các hợp chất đơn giản hơn cho nấm men sử dụng. Sau đó, nấm men tiếp tục sống và phát triển trong môi trường nước.
Bên cạnh đó, các quá trình công nghệ khác trong nhà máy bia cũng sử dụng nước là thành phần chính như: hơi nước bão hòa để truyền nhiệt từ lò hơi đến các thiết bị sử dụng nhiệt, hỗn hợp nước-Glycol dùng để dẫn lạnh, nước dùng trong hệ thống thanh trùng,…
Như vậy, nước có vai trò cực kỳ quan trọng cho sản xuất bia. Tính chất nước tác động đến hương vị của bia. Các loại bia khác nhau yêu cầu nguồn nước đầu vào khác nhau.
b. Malt đại mạch:
Bia phải được sản xuất từ malt đại mạch. Malt là nguồn cung cấp các hợp chất cơ bản như đường, protein, chất béo, các loại vitamin,… cho quá trình sản xuất bia. Tại công đoạn nấu, tinh bột trong malt bị thủy phân bởi hệ enzyme amylase thành đường lên men được. Sau đó, nấm men sử dụng đường này để tạo thành CO2 và cồn trong bia.
Có rất nhiều loại malt khác nhau được dùng trong sản xuất bia như malt vàng, malt nâu, malt đen, malt chocolate,… Nhà sản xuất bia có thể phối trộn nhiều loại malt khác nhau để sản xuất ra loại bia mong muốn.
c. Hoa Bia:
Hoa houblon là nguyên liệu cơ bản sau malt. Hoa Houblon làm bia có vị đắng dịu, hương thơm rất đặc trưng, làm tăng khả năng tạo và giữ bọt làm tăng độ bền keo và ổn định thành phần sinh học của sản phẩm. Trong công nghệ sản xuất bia chỉ sử dụng hoa cái chưa thụ phấn.
Việc sử dụng hoa bia được bắt đầu ở Châu Âu thời trung cổ. Vào khoảng thế kỹ thứ 8 sau công nguyên, các thầy tu tại vùng Hallertau thuộc Bavarian đã sử dụng hoa bia nhằm tạo ra vị đắng thanh và kéo dài thời gian lưu trữ của bia mà không bị chua.
Trong thời trung cổ, khi bắt đầu dùng hoa bia vào sản xuất, các nhà tu nhận thấy bia để được lâu hơn mà không bị chua. Trong hoa bia co chứa một số chất có khả năng kìm hãm và tiêu diệt vi sinh vật. Nhưng lúc đó, chưa một ai có khái niệm về vi sinh vật nên mọi người cũng không giải thích được tại sao việc dùng hoa bia lại có ích lợi như thế.
Nhưng ngày nay, do kỹ thuật trình độ khoa học kỹ thuật phát triển, bia đã được thanh trùng bằng phương pháp Pasteur nên khả năng kháng khuẩn của hoa bia không còn ý nghĩa. Mà các nhà sản xuất bia hiện nay chủ yếu nhằm vào mục đích tạo ra hương vị đặc trưng và ổn định độ bền bọt.
d. Nấm men:
Nấm men có vai trò chuyển hóa các hợp chất lên men được trong dịch nha sau nấu thành cồn và khí CO2. Trong quá trình lên men, nấm men sản xuất ra các hợp chất tạo mùi, vị thơm cho bia. Các chủng men khác nhau cho ra hương vị bia đặc trưng. Các hãng bia khác nhau sở hữu chủng nấm men đặc trưng và được các hãng bảo vệ rất nghiêm ngặt.
e. Thế liệu:
Thế liệu là thành phần phụ tham gia vào sản xuất bia, có vai trò thay thế một tỷ lệ nhất định malt. Thế liệu sản xuất bia rất đa dạng và phong phú, phụ thuộc vào đặc điểm nông nghiệp của từng quốc gia. Các nước vùng Đông Nam Á chủ yếu sử dụng thế liệu là gạo, trong khi đó các quốc gia Châu Phi lại sử dụng bo bo, lúa miến,… Thế liệu là giảm giá thành sản xuất bia, giúp người nông dân địa phương tiêu thụ được các sản phẩm bản địa.

2. Quy trình sản xuất:

a. Sơ đồ quy trình sản xuất bia

b. Thuyết minh công nghệ:

Xay nghiền:
Nghiền nhỏ hạt malt (hoặc hạt gạo) đến kích thước yêu cầu để các thành phần trong nguyên liệu có thể hòa tan vào nước và giải phóng ra enzym để xúc tác quá trình thủy phân sau đó.
Nồi nấu malt
Thủy phân các hợp chất cao phân tử như tinh bột, protein thành các hợp chất lên men được như đường malto, gluco, axit amin,… Kết thúc quá trình nấu tại nồi malt sẽ thu được dịch ngọt nên quy trình này được gọi là quá trình đường hóa.
Nồi lọc dịch hèm
Là quá trình tách võ trấu của hạt malt ra khỏi dịch đường.
Nồi đun sôi
Dịch đường trong được đun sôi với hoa bia để tạo vị đắng đặc trưng, đồng thời quá trình đun sôi cũng làm bay hơi và kết tủa các hợp chất không mong muốn và tiệt trùng dịch nha.
Nồi tách cặn
Loại bỏ các thành phần như cánh hoa bia, các kết tủa hình thành trong quá trình đun sôi.
Giải nhiệt nhanh
 Dịch nha sau đun sôi (100oC) được đưa về nhiệt độ thích hợp cho nấm men hoạt động như 10 – 15oC. Nhiệt độ này tùy thuộc vào chủng loại nấm men và loại bia.
Tank lên men
Dịch nha lạnh cùng với nấm men được đưa vào tank lên men để tiến hành quá trình lên men. Nấm men sẽ sử dụng đường được hình thành trong giai đoạn nấu để tạo thành Cồn và khí CO2. Các hợp chất tạo mùi thơm cho bia cũng được nấm men tạo thành trong giai đoạn này.
Kết thúc quá trình lên men, nấm men sẽ được thu hồi ra khỏi tank lên men để tái sử dụng cho lần lên men tiếp theo. Dịch bia sau lên men sẽ được chuyển sang tank ủ bia để bắt đầu quá trình lên men phụ.
Tank ủ bia
Là quá trình chuyển hóa hoặc loại bỏ các hợp chất không mong muốn hình thành trong quá trình lên men như diacetyl. Quá trình ủ bia kết thúc khi hàm lượng các chất này giảm đến mức mong muốn và đạt thời gian theo yêu cầu của từng loại bia.
Làm lạnh sâu
Bia trước khi qua quá trình lọc sẽ được làm lạnh sâu xuống nhiệt độ -1à-2oC để hình thành cặn lạnh. Các cặn lạnh này sẽ được loại bỏ trong quá trình lọc trong sau đó.
Lọc trong bia
Nấm men, cặn lạnh, … sẽ được loại bỏ để làm cho bia trở nên trong suốt.
Tank bia trong
Bia sau khi lọc được chứa trong tank bia trong để chờ quá trình chiết, đóng gói.
Chiết bia
Là quá trình bia được chiết vào các dạng bao bì khác nhau để đánh ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Keg bia có dung dích 2 lít, 5 lit, 20 lít, 30 lít hoặc 50 lit.
Bia được chiết vào lon có dung tích 330ml, 500ml.
Bia chai có dung tích 330ml, 450ml, 500ml, 750ml.
Dung tích bia chai, bia lon phụ thuộc vào chiến lược thị trường và thị hiếu tiêu dùng của từng quốc gia.

CHÍNH SÁCH CHẤT LƯỢNG – AN TOÀN THỰC PHẨM – NĂNG LƯỢNG – MÔI TRƯỜNG

  1. Nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu luật định, các định chế và các yêu cầu khác về chất lượng, an toàn thực phẩm, năng lượng và các khía cạnh môi trường có liên quan đến sản xuất và cung cấp sản phẩm Bia đến người tiêu dùng.
  2. Cung cấp đầy đủ thông tin và các nguồn lực để áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý Chất lượng – An toàn thực phẩm – Năng lượng – Môi trường theo tiêu chuẩn ISO nhằm đảm bảo đạt mục tiêu và chỉ tiêu đề ra.
  3. Luôn cải tiến để nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm đáp ứng tất cả các chỉ tiêu nghiêm ngặt nhất của SABECO, đối tác nhằm cung cấp cho xã hội những sản phẩm an toàn, hợp thị hiếu, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
  4. Không ngừng nâng cao năng lực của Công ty thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến; đầu tư, cải tiến thiết bị theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu suất năng lượng và thân thiện môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
  5. Cung cấp điều kiện làm việc tốt nhất và thường xuyên đào tạo người lao động để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
  6. Cam kết bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng môi trường Xanh – Sạch – Đẹp gắn liền với mọi hoạt động hằng ngày. Đó là trách nhiệm của chúng tôi đối với thế hệ tương lai.

CÔNG TY CP BIA SÀI GÒN SÔNG LAM MỘT THƯƠNG HIỆU ĐÁNG TỰ HÀO, UY TÍN CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU